Phanh xe là một bộ phận cực kỳ quan trong của ô tô. Sự an toàn khi di chuyển của xe phụ thuộc khá nhiều vào hệ thống phanh. Hôm nay chúng ta cùng tìm hiều về hệ thống phanh xe ABS trên xe ô tô. Đây là một loại phanh có nhiều lợi ích và được sử dụng khá phổ biến. Hãy đón xem nó là cái gì và cách khắc phục khi hệ thống phanh xe này bị lỗi cùng ISUZU HN nhé!
Mục Lục
Phanh ABS là gì
Phanh ABS là một hệ thống phanh chống bó cứng ABS trên ô tô (viết tắt của Anti-Lock Brake System). ABS là một hệ thống phanh điều khiển điện tử được thiết kế để ngăn ngừa bánh xe bị bó cứng trong những tình huống khẩn cấp cần giảm tốc đột ngột. Chức năng này giúp tránh hiện tượng trượt và văng, đồng thời cung cấp sự kiểm soát dễ dàng hơn cho người lái và đảm bảo ổn định cho xe ô tô.
Trong những trường hợp khẩn cấp, như phanh gấp để tránh va chạm hoặc tránh vật cản, hệ thống phanh ABS trên ô tô sẽ can thiệp bằng cách giảm áp lực phanh trên từng bánh xe riêng lẻ. Điều này giúp bánh xe không bị bó cứng, cho phép chúng tiếp tục quay và bám đường. Kết quả là, xe vẫn có thể tiếp tục di chuyển và người lái vẫn kiểm soát được xe.
Đặc biệt, đối với những xe không trang bị hệ thống phanh ABS, việc phanh gấp có thể dẫn đến tình trạng trượt, do độ bám đường giảm đi đáng kể và lực truyền cho bánh xe không giúp xe tiến lên mà thậm chí có thể dẫn đến mất kiểm soát hoàn toàn.
Hệ thống phanh ABS đã có mặt trong ngành công nghiệp ô tô từ những năm 1970 và được ưa chuộng rộng rãi. Nó đã đóng một vai trò quan trọng trong giảm thiểu số vụ tai nạn giao thông trên toàn thế giới, giúp người lái xe và hành khách an toàn hơn trong mọi chuyến hành trình.
Cấu tạo phanh ABS trên ô tô
Hệ thống phanh chống bó cứng (ABS) là một phần quan trọng để đảm bảo an toàn khi lái xe và điều chỉnh phanh một cách hiệu quả. Cấu tạo hệ thống phanh ABS trên ô tô bao gồm các thành phần sau:
+ Cảm biến tốc độ: Cảm biến tốc độ, còn được gọi là roto, được lắp ở cả bánh sau và bánh trước của xe. Bộ phận cảm biến này bao gồm lõi từ, cuộn dây và nam châm vĩnh cửu. Chức năng của nó là nhận biết tốc độ của xe và sau đó truyền tín hiệu cho bộ xử lý ECU. Thông tin về tốc độ này được sử dụng để đánh giá trạng thái của bánh xe và giúp hệ thống ABS hoạt động một cách hiệu quả.
+ Cảm biến giảm tốc: Cảm biến giảm tốc của xe có cấu tạo bao gồm mạch biến đổi tín hiệu, đĩa xẻ rãnh, 2 cặp đèn LED và transistor. Cảm biến giảm tốc có hai loại, bao gồm cảm biến đặt ngang và cảm biến đặt dọc. Nhiệm vụ của cảm biến giảm tốc là đo lường sự giảm tốc của bánh xe và truyền thông tin này đến hệ thống ABS. Thông tin này được sử dụng để điều chỉnh áp suất dầu phanh sao cho phù hợp với tình huống cụ thể.
+ Bộ chấp hành phanh ABS: Bộ chấp hành thuỷ lực ABS bao gồm bơm dầu, motor điện, bình tích áp và van điện tử. Nhiệm vụ chính của bộ chấp hành thuỷ lực ABS là cung cấp áp suất dầu phanh tối ưu đến các xylanh bánh xe. Điều này giúp tránh tình trạng bó cứng phanh và cho phép điều khiển phanh một cách linh hoạt theo lệnh từ bộ điều khiển ABS.
+ Bộ điều khiển ABS: Bộ điều khiển ABS là trung tâm của hệ thống, tiếp nhận thông tin từ cảm biến tốc độ và cảm biến giảm tốc. Nó thực hiện tính toán và ra lệnh đến bộ chấp hành thuỷ lực để cung cấp áp suất dầu phù hợp cho từng bánh xe. Bộ điều khiển ABS chính là bộ não của hệ thống và đảm bảo rằng phanh hoạt động một cách an toàn và hiệu quả.
Cách thức hoạt động của phanh ABS trên xe ô tô
Hệ thống phanh ABS trên ô tô hoạt động dựa vào sự tương tác giữa các thành phần và thông tin từ cảm biến tốc độ. Khi xe chuyển động, cảm biến tốc độ của từng bánh xe theo dõi và gửi thông tin về tốc độ quay của bánh xe đến ECU (Electronic Control Unit – Bộ xử lý và Điều khiển Điện tử). Nếu cảm biến phát hiện rằng một hoặc nhiều bánh xe đang quay chậm hơn mức quy định, thông tin này sẽ được chuyển đến ECU.
ECU sẽ tiến hành điều khiển hệ thống phanh thông qua bơm và van thủy lực. Thay vì tạo ra một lực phanh mạnh và cố định trên đĩa phanh trong một thời gian dài, hệ thống phanh ABS trên ô tô sẽ tạo tác động kẹp/nhả má phanh lên đĩa phanh với tần suất lên đến 15 lần mỗi giây. Điều này giúp ngăn bánh xe bị bó cứng và vẫn kiểm soát được tốc độ của xe.
Dựa vào thông tin từ cảm biến tốc độ và tương tác với hành vi của người lái, bộ điều khiển ABS sẽ điều chỉnh áp suất phanh tại mỗi bánh xe sao cho đảm bảo sự ổn định của thân xe và giúp người lái kiểm soát quỹ đạo di chuyển của xe.
Ngoài ra, nếu cảm biến giảm tốc phát hiện một hoặc nhiều bánh xe quay quá nhanh, hệ thống phanh ABS sẽ tự động tác động lực phanh để đảm bảo quá trình hãm phanh an toàn. Hệ thống này hoạt động liên tục trong thời gian ngắn, đảm bảo rằng xe luôn duy trì sự ổn định và an toàn trên đường.
Một số lỗi thường gặp và cách khắc phục khi phanh ABS gặp vấn đề
Lỗi cầu chì
Cầu chì trong hệ thống phanh ABS chịu trách nhiệm bảo vệ hệ thống khỏi dòng điện quá mức cho phép và có thể gặp vấn đề hoặc bị hỏng do nhiều nguyên nhân khác nhau. Một trong những vấn đề phổ biến là khi cầu chì bị cháy. Điều này có thể xảy ra khi có dòng điện vượt quá khả năng chịu đựng của cầu chì hoặc khi cầu chì đã sử dụng quá lâu.
Khi bạn phát hiện cầu chì đã bị cháy, việc thay mới cầu chì là một biện pháp đầu tiên để khắc phục vấn đề. Tuy nhiên, nếu bạn thay mới cầu chì mà vấn đề vẫn tiếp diễn, có thể có sự cố ngắn mạch tại motor bơm hoặc bộ điều khiển ABS. Để kiểm tra cầu chì ABS, bạn nên tìm vị trí cầu chì, thông thường nó được đặt gần bộ chia điện dưới gầm xe hoặc ngay dưới bảng táp lô. Kiểm tra cầu chì có dấu hiệu cháy hoặc hỏng hóc và thay thế nếu cần.
Lỗi do rôto cảm biến hệ thống phanh ABS
Cảm biến tốc độ bánh xe chuyển đổi thông tin về tốc độ quay của bánh xe thành tín hiệu xung và gửi nó đến bộ điều khiển. Các tín hiệu xung này đóng vai trò quan trọng trong quyết định hoạt động của hệ thống phanh ABS trên ô tô. Tuy nhiên, khi rôto của cảm biến bị hỏng hoặc mất, hệ thống có thể gặp sự cố.
Rôto của cảm biến ABS thường được gắn cố định trực tiếp vào bánh xe, và chúng chịu môi trường và áp lực hoạt động trong quá trình xe di chuyển. Một số nguyên nhân có thể gây hỏng hoặc mất rôto bao gồm va chạm mạnh vào các vật cản, lạc đường xấu, hoặc cảm biến cũ kỹ, đã hỏng trước đó.
Khi rôto của cảm biến bị hỏng hoặc mất, nó không còn tạo ra tín hiệu xung chính xác và điều này có thể dẫn đến sự cố trong hệ thống phanh ABS trên xe ô tô. Hệ thống không thể xác định đúng tốc độ quay của bánh xe và không thể điều chỉnh áp lực phanh một cách hiệu quả. Để khắc phục sự cố này, bạn cần thay thế rôto hỏng hoặc mất bằng một rôto mới.
Cảm biến tốc độ bánh xe bị lỗi
Chức năng chính của cảm biến tốc độ bánh xe là tiếp nhận vận tốc của bánh xe và gửi tín hiệu tốc độ này đến bộ điều khiển hệ thống ABS. Cảm biến này giúp hệ thống ABS theo dõi tốc độ quay của từng bánh xe và điều chỉnh áp lực phanh một cách tối ưu, ngăn chặn bánh xe bị bó cứng và tránh tình trạng mất kiểm soát của xe trong điều kiện phanh gấp hoặc trên bề mặt đường không đủ ma sát.
Một trong những nguyên nhân gây hỏng cảm biến tốc độ bánh xe thường gặp là khi xe thường xuyên chạy trên đường xá không tốt, như đường sình lầy hoặc đường rung lắc mạnh, có thể làm cho cảm biến bị hỏng hoặc bị lỏng và rơi ra khỏi vị trí của nó. Khi điều này xảy ra, đèn báo lỗi ABS thường sẽ bật sáng trên bảng điều khiển và nguyên nhân phổ biến thường là cảm biến bị lỗi do bám đất, bùn bẩn, rỉ sét hoặc mất kết nối.
Một nguyên nhân khác có thể làm cảm biến tốc độ bánh xe gửi tín hiệu sai là do má phanh quá mòn. Má phanh mòn dẫn đến sự thay đổi về tốc độ quay của bánh xe, khiến cho cảm biến tốc độ bánh xe ghi nhận thông tin không chính xác. Điều này có thể dẫn đến việc hệ thống ABS không hoạt động đúng cách và đèn báo lỗi ABS cũng sẽ bật sáng.
Khi gặp vấn đề với cảm biến tốc độ bánh xe của hệ thống phánh ABS trên xe ô tô, quá trình xác định và sửa chữa lỗi cần phải được thực hiện một cách kỹ lưỡng để đảm bảo an toàn khi lái xe. Đối với những người không có kiến thức và kỹ năng cần thiết, việc mang xe đến một cửa hàng sửa chữa ô tô chuyên nghiệp để kiểm tra và sửa chữa là lựa chọn tốt nhất.
Hộp ECU bị hỏng
Khi hộp ECU (Electronic Control Unit) điều khiển của hệ thống phanh ABS trên ô tô gặp vấn đề hoặc bị hỏng, đèn báo lỗi ABS sẽ nổi sáng để cảnh báo người lái về tình trạng này. Mặc dù ECU có thể bị trục trặc, nhưng chức năng của đèn báo ABS vẫn hoạt động bình thường. Điều này giúp lái xe biết rằng hệ thống ABS có vấn đề cần kiểm tra và sửa chữa. Việc kiểm tra và thay thế hộp ECU sẽ đòi hỏi sự can thiệp của một kỹ thuật viên chuyên nghiệp và nó là một phần quan trọng trong việc duy trì hiệu suất an toàn của hệ thống phanh ABS.
Trên đây là toàn bộ kiến thức về hệ thống phanh ABS trên ô tô cùng với các lỗi và cách khắc phục khi hệ thống ABS gặp vấn đề. Hy vọng rằng với những thông tin mà ISUZU HN tổng hợp và chia sẻ đã giúp ích cho bạn. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào về hệ thống ABS hay liên quan đến ô tô hãy liên hệ ngay cho chúng tôi để đươc giải đáp.